Thượng tá Nhật căng thẳng khi bị “điều tra” bằng cấp tại tòa. Ảnh: L.P
Vụ án xảy ra vào tháng 5.2012 và được xét xử sơ thẩm vào tháng 3-4.2014, sau khi dư luận lên tiếng vì cho rằng bản án quá nhẹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu Viện trưởng VKSND tối cao kiểm tra, chỉ đạo xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Trong phiên xử chiều 8.4, phần tranh luận giữa luật sư Nguyễn Văn Thắng người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành và thượng tá Lương Tấn Nhật-Phó Trưởng Phòng kĩ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Yên chiếm phần lớn thời gian.
Liên quan đến những vết thương trên người nạn nhân Ngô Thanh Kiều mà luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho người nhà nạn nhân, nghi là vết cháy do roi điện qua các bức ảnh gia đình chụp lại lúc khám nghiệm tử thi, Thượng tá Lương Tấn Nhật cho rằng đây là những vết xây xát cũ, không phải dấu vết do công an dùng nhục hình gây ra.
Khi luật sư Nguyễn Văn Thắng hỏi về nguyên nhân hình thành vết xước da đầu của nạn nhân Ngô Thanh Kiều, thượng tá Nhật giải thích đó là vết xước trong quá trình cạo tóc để khám nghiệm tử thi. Phần tranh luận trở nên căng thẳng khi luật sư Nguyễn Thăng
Thắng đề nghị Thượng tá Lương Tấn Nhật cho biết cụ thể về bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ của Thượng tá Lương Tấn Nhật, ông Thắng cho rằng phần giải thích của Lương Tấn Nhật là chứng cứ pháp lý của vụ án nên phải có chuyên môn đúng với điều mình phát biểu.
Thượng tá Nhật nói rõ, ông có mặt theo lời mời của tòa, do vậy ông không có trách nhiệm giải thích, việc luật sư Thắng “điều tra” bằng cấp của ông là có phần “nhục mạ” ông. Thượng tá Nhật dẫn biên bản khám nghiệm tử thi cho biết nạn nhân bị 3 tổ hợp vết thương trên đầu mà theo kết luận điều tra là do “vật tày” gây ra.
Luật sư Thắng đề nghị Thượng tá Nhật giải thích lý thuyết về “cơ chế hình thành dấu vết”, dấu vết tạo thành có phụ thuộc vào hình dáng, kích thước, chất liệu của vật gây nên dấu vết hay không? Thượng tá Nhật giải thích: Ngoài hình dáng, kích thước, chất liệu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chiều hướng, góc độ, lực tác động…
Luật sư Thắng đề nghị Thượng tá Nhật giải thích về cơ chế hình thành dấu vết. Ảnh: L.P
Luật sư
Thượng tá Nhật giải thích rằng nạn nhân Ngô Thanh Kiều “không phải là một cục sắt” mà là một “cơ thể sống”, chủ thể gây thương tích ở phía đối diện, chệch về bên trái nạn nhân nên cơ quan điều tra khẳng định chủ thể gây thương tích đều có thể gây ra những vết thương này.
Thượng tá Nhật nói rõ: “Kết quả giám định là gắn với điều kiện thực nghiệm hiện trường cụ thể”, không phải là “lý thuyết” như luật sư Thắng nói. Thượng tá Nhật khẳng định 3 tổ hợp vết thương là do vật tày không cạnh gây nên, và dùi cui là vật tày không cạnh.
Luật sư Thắng vặn lại: Trong hồ sơ vụ án cơ quan kĩ thuật hình sự có nói là gậy cao su có thể gây ra được vết thương, điều này có mâu thuẫn với giải thích của vị tại phiên tòa hay không? Thượng tá Nhật đáp: Chúng tôi khẳng định là vật tày, không khẳng định là gậy cao su.
Trong biên bản làm việc ngày 16.10.2014, khi Viện kiểm sát đặt ra câu hỏi gậy cao su có thể gây ra vết thương hay không thì chúng tôi khẳng định là có. Điều này không mâu thuẫn nhau.
Luật sư Thắng cho rằng nếu giám định thì gậy cao su không thể gây ra vết thương 10x10cm, 3 vết thương có kích thước khác nhau thì liệu có phải là do một vật gây ra? Thượng tá Nhật khẳng định: 3 vết thương kích thước khác nhau chưa hẳn là do nhiều vật gây ra, vì như đã nói một vật có thể gây ra nhiều vết thương khác nhau tùy thuộc vào chiều hướng, góc độ tác động, đây là những vết sưng nề nên lực tác động có ảnh hưởng lớn đến kích thướng vết thương.
Sau khi luật sư Nguyễn Văn Thắng không đồng tình với cách giải thích của đại diện cơ quan chuyên môn về kĩ thuật hình sự liên quan đến 3 tổ hợp vết thương trên đầu nạn nhân bị công an đánh tử vong, ông Thắng khẳng định sẵn sàng vào vai đóng thế tại tòa để Thượng tá Lương Tấn Nhật dựng lại hiện trường.
Thượng tá Lương Tấn Nhật nói: “Anh muốn cắt nồi cơm của tôi hay sao!? Lỡ tôi đánh anh chết thì sao?”. Luật sư Nguyễn Văn Thắng tiếp lời rằng ông “sẵn sàng chết để chứng minh cho chân lý”.
Bị cáo Thành: 3 người ở cơ quan tôi có dùi cui không phép. Ảnh: L.P
Đến phần tranh luận của mình, luật sư Võ An Đôn không đồng ý với giải thích của Phòng Kỹ thuật Hình sự giải thích về các vết thương mà ông nghi là bị cháy do dùng roi điện và yêu cầu làm rõ vấn đề này.
Khi luật sư Đôn hỏi bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, người duy nhất kháng cáo kêu oan ở vụ án này: Có ai trong cơ quan bị cáo có dùi cui không?, thì bị cáo Thành khai: Có 3 người cùng cơ quan với bị cáo có dùi cui dù không được cấp phép.
Phiên tòa khép lại tại đây, ngày mai 9.4, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục xét xử.
Người nhà nạn nhân tại phiên tòa. Ảnh: L.P